[Cafebiz] Những câu chuyện dở khóc dở cười của các nhà tuyển dụng khi đọc CV của các ứng cử viên “bá đạo” – sinh viên mới/sắp ra trường thực sự mang đến những bài học thấm thía cho thế hệ lao động trẻ.
Thiếu kinh nghiệm làm việc chắc chắn là một trong những nhược điểm phổ biến của sinh viên hiện nay. Ngay từ những bước đầu chập chững tiếp xúc với môi trường việc làm, sinh viên đã để lộ ra những yếu kém về kiến thức cũng như thái độ.
Chính vì thế, talkshow “Sinh viên “cái gì cũng thiếu”: Phải tìm việc thế nào?” thuộc chuỗi sự kiện “Tốt nghiệp không thất nghiệp” do Công ty CP Nguồn nhân lực Siêu Việt phối hợp với các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ là một điểm tựa cho các bạn sinh viên sắp ra trường.
Một trong những bước chuẩn bị quan trọng nhất khi bạn bắt đầu đi xin việc, đó chính là chuẩn bị CV. Có thể nói, “diện mạo đầu tiên” này sẽ quyết định bạn có phải là người được lựa chọn hay không. Với những kinh nghiệm đã kinh qua và với trải nghiệm của từng cá nhân, các diễn giả không ngần ngại chia sẻ thẳng thắn những suy nghĩ của mình tới các bạn sinh viên.
Hằng ngày phải tiếp xúc số lượng CV không thể đếm xuể, chị Dương Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Khối Tuyển dụng Hà Nội, Công ty CP Nguồn nhân lực Siêu Việt cho biết: “Tôi nghĩ các bạn sinh viên ở thời điểm hiện tại nhận được rất nhiều sự hỗ trợ so với thời sinh viên của tôi. Ngày trước, khi tôi đi xin việc, tôi không hề biết viết CV như thế nào, không biết tìm mẫu CV ở đâu, toàn mượn bạn bè hay các anh chị lớn mua CV rồi mình copy mẫu. Ngày hôm trước, có một người anh họ gọi điện cho tôi nhờ xin việc cho cô cháu gái và tôi thực sự bất ngờ lắm. Vì 2019 rồi, sinh viên đi xin việc vô cùng dễ, lại còn ở Hà Nội, vậy tại sao còn cần sự giúp đỡ?
Bước đầu tiên, để có một CV đẹp, 4 website của Siêu Việt hoàn toàn cung cấp cho các bạn những mẫu CV sẵn có, đa phong cách: chuyên nghiệp có, màu mè, cá tính có… Bạn hoàn toàn có thể tìm thấy một mẫu CV mà mình ưng ý. Bước thứ hai, các bạn cần lưu ý về cách trình bày để làm sao nhà tuyển dụng cảm thấy hấp dẫn. Những nhà tuyển dụng như chúng tôi mỗi ngày phải đọc rất nhiều CV và câu đùa “mỗi CV chỉ được đọc 3-5 giây” là rất đúng. Chúng tôi không có thời gian để ngâm cứu kĩ hồ sơ của các bạn đâu. Vì thế, các bạn cần trình bày font chữ đúng để chúng tôi thấy ưng mắt trước tiên đã.
Nếu ngay từ cái nhìn đầu tiên, chúng tôi thấy CV trình bày lộn xộn, chữ to chữ nhỏ đan xen, không cần biết sự thật như thế nào, chắc chắn tôi sẽ loại CV đó ngay. Thêm nữa, ảnh CV rất quan trọng. Tôi không hiểu tại sao ảnh CV bây giờ của sinh viên toàn ảnh tự sướng, tôi còn ấn tượng đến bây giờ ảnh CV của một bạn là ảnh quay lưng… Tôi thực sự không biết bây giờ sinh viên nghĩ gì! Nhìn ảnh CV của các bạn, chúng tôi sẽ biết là có nên đọc tiếp hay không.
Điều tiếp theo tôi muốn nói đến là có vẻ các bạn mới ra trường rất tự ti về những kinh nghiệm của mình nên các bạn “bịa” rất dài. Tôi đã đọc những CV dài 4-5 trang của những bạn sinh năm 1998 chuẩn bị tốt nghiệp, đến tôi đi làm bao nhiêu năm mà CV chỉ dài 1 đến 1 trang rưỡi là cùng. Một ấn tượng xấu tôi từng đọc CV của một bạn đã từng làm vị trí lễ tân: 1 trong 20 gạch đầu dòng kinh nghiệm của bạn ấy là thắp hương ngày mồng 1.
Cho nên, đối với một CV đẹp, độ dài không quan trọng, càng dài chúng tôi càng không muốn đọc; chúng tôi cần ngắn mà đầy đủ: đã từng làm vị trí – công ty nào, có đạt thành tích ở vị trí đó hay không… Với tôi, vậy là đủ! Đối với tôi, đó chính là những tiêu chí bắt mắt đối với một CV xin việc và có thể sau đó, chúng tôi sẽ nhấc máy lên gọi hẹn bạn phỏng vấn.”
Là một người từng trải qua nhiều công việc từ thời sinh viên, anh Đào Đức Dũng, chủ tịch Tập đoàn quốc tế Ecorp lại gây ngạc nhiên: “Tôi chưa bao giờ viết CV nên không biết phải khuyên các bạn như thế nào, tôi chỉ đọc CV nhiều thôi. Tuy nhiên, qua nhiều năm làm việc, trong số 7 công ty của mình, tôi cũng đã tuyển rất nhiều các bạn sinh viên kể cả từ năm nhất. Từ trước đến nay, quan niệm của tôi không thay đổi: CV của bạn phải thể hiện được hai chữ “tiềm năng”.
Có một dòng tôi rất thích mà ít CV thể hiện được ý “Tại sao bạn muốn làm việc ở chỗ tôi? Nếu làm việc ở công ty tôi, bạn cam kết như thế nào?”. Thông thường, các bạn sinh viên đều đi theo lối cũ, viết khá “sách vở”. Tôi làm doanh nghiệp mà, xuất thân là CEO, không phải người làm tuyển dụng nên tôi muốn mua một món hàng rẻ nhất nhưng tiềm năng nhất. Vì thế, hồ sơ của bạn phải làm được điều đó, tức là ngay trên mặt chữ, bạn phải thể hiện được bạn.
Tôi cũng là một người để ý nhiều đến trình bày của các bạn, khá luộm thuộm, giãn dòng không theo trật tự, chỗ gạch đầu dòng chỗ không… CV đẹp trong mắt tôi, điều kiện cần là phải chuẩn chỉnh. Khi sang Singapore du học, tôi thích nhất câu: “Cách bạn làm một việc là cách bạn làm mọi việc”, tức là nếu bạn đã làm chuẩn bị tốt CV và đến hẹn phỏng vấn đúng giờ thì chắc chắn bạn sẽ làm những điều tử tế cho công ty của tôi.
Tôi không quan tâm các bạn học nghề gì nhưng những kĩ năng cần thiết là giao tiếp và bán hàng. Bản chất cuộc đời cơ bản là một chuỗi quá trình bán hàng. Bạn nộp CV cho tôi, tức là bạn đang bán cho tôi một món hàng và bạn phải làm sao để tôi thu hút nó ngay; bạn đi phỏng vấn cũng là cuộc trao đổi bán hàng; bạn “cua” được người yêu cũng là một kiểu bán hàng… Các bạn nên đi làm sớm từ năm 2, năm 3 hoặc nếu có chút vốn có thể góp vốn cùng kinh doanh với bạn bè. Ngay từ khi viết CV, các bạn đã phải định sẵn tinh thần mình thắng các ứng viên khác”.
Anh Trịnh Duy Hà, Founder & Giám đốc Nội dung, Học viện Kỹ năng mềm SSA bổ sung: “Một CV đẹp là một CV trung thực. Một bạn sinh viên thử việc ở công ty tôi 1 tháng đã hỏi tôi một cách ngớ ngẩn rằng làm thế nào để xoay ngang một bản Word. Các bạn trẻ, thứ nhất, hãy trải nghiệm, đi thật nhiều nơi, gặp thật nhiều nơi, làm thật nhiều việc. Thứ hai, cần phải tích luỹ nhiều cho công việc của bạn, nó bắt buộc, cần thiết và các bạn cần có kế hoạch cho những gì mình làm. Tôi quan niệm ra trường mới bắt đầu đi tích luỹ kinh nghiệm thì bạn muộn rồi vì bạn sẽ phí mất đến 3, 4 công việc đầu tiên. Khi đi học, các bạn nên bắt đầu đi làm và có thể chấp nhận làm lương thấp, thậm chí không có lương, làm thực tập sinh, cộng tác viên.
Làm lương thấp nhưng với thái độ của một CEO, làm không lương nhưng với thái độ của một người được trả lương cao nhất công ty thì bạn mới học được nhiều thứ: kiến thức + kĩ năng + thái độ = năng lực. Điều mà tôi quan tâm là các bạn có kế hoạch có những thứ để mình viết vào CV, sau đó mới quan tâm mình viết CV như thế nào.”
Cho rằng CV không cần thiết trong bối cảnh công nghệ 4.0, chị Ngô Thị Thanh Thủy, Giám đốc Nhân sự, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica cho rằng: “Đối với các doanh nghiệp truyền thống hoặc không thuộc lĩnh vực công nghệ, mọi người vẫn thường quan trọng CV. Nhưng với công ty tôi, mọi người đang hướng đến việc dùng AI để tìm các ứng viên tiềm năng. Còn về phía các ứng viên sáng giá, vượt trên cả suy nghĩ về một CV đẹp, các bạn phải làm cho các doanh nghiệp “thèm khát” các bạn chứ các bạn không cần phải đi nộp CV. Làm thế nào để được doanh nghiệp săn đầu người, làm thế nào để được doanh nghiệp chú ý đến mình mà mình không cần tìm doanh nghiệp, nghĩ được như vậy, chắc chắn bạn sẽ vượt lên ‘level’ làm CV!”
Link bài viết trên báo: http://cafebiz.vn/viet-kinh-nghiem-trong-cv-biet-thap-huong-ngay-mong-1-giam-doc-tuyen-dung-toi-thuc-su-khong-biet-bay-gio-sinh-vien-nghi-gi-20190925152128863.chn
==> Xem thêm: ECORP STARTER- Tiếng Anh cho người mất gốc