Tìm hiểu về văn hóa các nước luôn mang đến sự thú vị và mở rộng vốn hiểu biết cho chúng ta. Không những thế, chúng ta còn biết cách cư xử phù hợp khi giao tiếp với người nước ngoài. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu cho các bạn 5 điều khác biệt về văn hóa Việt Nam và các nước phương Tây. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải thay đổi văn hóa của mình, mà chỉ là sự khác biệt đầy lý thú giữa hai nền văn minh khác nhau mà thôi. Cư xử như thế nào là sự lựa chọn của mỗi người!
1. Điều khác biệt về văn hóa 1 – Văn hóa trên bàn ăn
Người nước ngoài không có thói quen mời mọi người ăn cơm như ở Việt Nam. Trong văn hóa Việt, “mời ăn cơm” thể hiện sự kính trọng, lễ phép của người nhỏ tuổi với người lớn tuổi. Tuy nhiên người phương Tây chỉ mời người khác khi họ đã tự chuẩn bị mọi thứ và muốn người kia thưởng thức. Ví dụ như mời uống cafe, mời tham dự hòa nhạc, mời dự tiệc, mời xem phim… nên họ sẽ thấy khá lạ lẫm với văn hóa “mời cơm” của Việt Nam.
Sự khác biệt thứ 2 là cách ăn của người Việt và người phương Tây. Người Việt khi ăn khá tự nhiên, có thể cười nói trong suốt bữa ăn, khi nhai không cần khép miệng và vẫn có thể tạo ra tiếng. Thế nhưng, việc đó được cho là ‘’rude’’ (thô lỗ) trong văn hóa phương Tây. Người phương Tây thường khép miệng khi nhai, không tạo ra tiếng ồn và trật tự khi ăn uống. Họ có thể trao đổi vài câu chuyện nhưng không cười đùa ầm ĩ và tuyệt đối không vừa ăn vừa nói.
Điều khác biệt về văn hóa trên bàn ăn
2. Điều khác biệt về văn hóa 2 – Văn hóa tham gia giao thông
Việc tham gia giao thông của người Việt cũng là một điều khiến người phương Tây khó hiểu. Chúng ta thường tham gia giao thông không theo quy tắc, trật tự, hay lách luật và lộn xộn. Nhiều người nước ngoài khi sang Việt Nam cảm thấy rất sợ hãi khi phải băng qua đường nhiều phương tiện qua lại. Vì tốc độ của các phương tiện rất nhanh và dường như không có dấu hiệu sẽ đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Ngoài ra, việc chúng ta sử dụng xe máy quá nhiều và thường xuyên đi ô tô vào những con đường nhỏ như khu vực Phố Cổ gây ra ùn tắc cũng là điều người nước ngoài khó chịu. Họ không thể hiểu được tại sao các tài xế Việt Nam có thể chen lấn phương tiện cá nhân của mình vào những con đường nhỏ như vậy mà không lường tới hậu quả của việc làm đó.
Điều khác biệt về văn hóa tham gia giao thông
3. Điều khác biệt về văn hóa 3 – Văn hóa nhà hàng
Khi đến Việt Nam, hầu hết người nước ngoài sẽ đến các nhà hàng để gọi món. Một sự khác biệt nữa của văn hóa hai nước là sự tôn trọng quyền riêng tư. Các nhân viên phục vụ người Việt sau khi đưa menu thường đứng cạnh bàn của khách chờ gọi món. Người Việt Nam cho rằng đó là sự tận tâm, nhiệt tình trong dịch vụ. Tuy nhiên, người nước ngoài cảm thấy họ bị mất tự nhiên và mất không gian riêng tư để tự do lựa chọn. Do đó nếu chúng ta gặp các thực khách người phương Tây ở nhà hàng, chỉ cần đưa menu cho họ và nói “I will give you a minute to decide. Whenever you want to order, just call for me.” Họ sẽ cảm thấy bạn thực sự rất chuyên nghiệp và họ biết ơn bạn vì điều đó.
Một nét văn hóa tại nhà hàng nữa thể hiện sự khác biệt là cách chọn món của người Việt và người phương Tây. Người Việt thường xem qua loa menu của nhà hàng và chọn món rất nhanh sau đó. Ngược lại, người phương Tây thường xem rất kỹ và chỉ đưa ra quyết định khi họ cảm thấy sẵn sàng. Điều đó cũng thể hiện họ nghiêm túc hơn với sự lựa chọn trong ăn uống của mình so với người Việt.
Điều khác biệt về văn hóa nhà hàng
4. Điều khác biệt về văn hóa 4 – Văn hóa học tập
Chuyện học tập của người Việt và người phương Tây cũng rất khác nhau. Học sinh Việt Nam phải trải qua rất nhiều kì thi: thi chuyển cấp 2, chuyển cấp 3, thi đại học, thi tuyển việc làm,… Dường như cuộc đời chúng ta luôn phải đối mặt với các kì thi. Chính vì thi cử khó khăn như vậy, chúng ta phải tham gia các lớp học thêm buổi tối sau một ngày đi học ở trường. Việc ‘’đi học thêm’’ của học sinh Việt Nam khá lạ lẫm với người nước ngoài. Vì họ chỉ dành thời gian từ thứ 2 đến thứ 6 ở trường cho việc học. Họ không hiểu tại sao người Việt lại phải học thêm, và đặt ra câu hỏi: “Vậy học sinh Việt học gì ở trường?”
Điều khác biệt về văn hóa học tập
Tương tự như chuyện thi cử, họ chỉ có kì thi đại học là kì thi lớn nhất trong quãng đời đi học của mình. Ví dụ như ở Mỹ, họ cần thi ACT hay SAT cho bậc đại học, và GMAT cho bậc thạc sỹ. Sau đó họ sẽ gửi hồ sơ apply vào các trường đại học mình muốn theo đuổi. Vì thế đối với một số người nước ngoài, học sinh ở Việt Nam khá vất vả trong chuyện học tập.
5. Điều khác biệt về văn hóa 5 – Văn hóa thời trang
Bên cạnh việc ăn uống, học tập thì thời trang cũng là một sự khác biệt giữa Việt Nam và nước ngoài. Người nước ngoài không thích kiểu mặc quần màu tối và đi tất trắng của người Việt. Theo tập quán của họ, nam giới mặc quần màu gì đi tất màu đó là hợp thời trang hơn cả. Ví dụ quần xám tất xám, quần đen tất đen. Nhưng điều này không quan trọng ở Việt Nam và dường như chúng ta có thể mặc bất cứ màu gì mà chúng ta thích.
Điều khác biệt về văn hóa thời trang
5 điều trên đây là những điểm khác biệt khá lớn giữa văn hóa Việt và các nước phương Tây. Học tiếng Anh không chỉ để hiểu ngôn ngữ mà biết được những sự khác nhau về văn hóa cũng giúp cho việc học tập của bạn sâu sắc hơn nữa đấy!
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:
TỔ CHỨC GIÁO DỤC QUỐC TẾ ECORP
Head Office: 173 Xuan Thuy, Cau Giay District, Hanoi
Tel: 04.629 36032 (Hanoi) – 08.66812617 (Ho Chi Minh City)
Website: https://ecorp.edu.vn/ https://www.facebook.com/espeedgroup