Dù bạn là sinh viên sắp tốt nghiệp, vừa kiếm được công việc đầu tiên trong đời hay người đã đi làm 5 năm, bạn vẫn sẽ hồi hộp với mỗi cuộc phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh. Nhưng không sao, hãy tham khảo và luyện tập với 10 câu hỏi phỏng vấn xin việc tiếng Anh này để tự tin và nắm lấy cơ hội giành được công việc bạn ao ước.
1. Câu hỏi thường gặp số 1: Can you introduce yourself?
Dù bạn phỏng vấn ở vị trí nào, câu hỏi này vẫn sẽ là câu xuất hiện ở các buổi phỏng vấn tuyển dụng bằng tiếng Anh. Bạn cũng không quá xa lạ với câu hỏi này, vì bạn đã được hỏi câu này hàng trăm lần ở các lớp học tiếng Anh, các buổi phỏng vấn thực tập… Nhưng hãy nhớ, đây là cơ hội đầu tiên trong buổi phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh để bạn gây ấn tượng về bản thân. Đây không phải đôi dòng tiểu sử bạn giới thiệu về mình trên mạng xã hội hay nơi tìm bạn tâm giao. Nhà tuyển dụng chắc chắn đã đọc CV của bạn, biết về bạn nhưng họ vẫn muốn nghe phần giới thiệu vắn tắt của bạn về bản thân và để quyết định có đầu tư tiếp vào cuộc phỏng vấn không. Để trả lời tốt và đúng trọng tâm câu hỏi quan trọng nãy, hãy nghiên cứu kỹ vị trí bạn ứng tuyển, tìm ra các yêu cầu về kỹ năng, năng lực nhà tuyển dụng cần ở vị trí này. Khi trả lời, bạn cần đưa ra ngắn gọn các thông tin cá nhân cơ bản, các phẩm chất, tính cách, kinh nghiệm làm việc của bản thân phù hợp đúng với vị trí bạn đang ứng tuyển. Bạn đang ứng tuyển vào vị trí nhân viên marketing, thì bạn cần giới thiệu bản thân có tính cách sôi động, năng nổ, hướng ngoại, thích giao tiếp vì các tính cách đó đều hỗ trợ cho công việc sắp tới. Bạn ứng tuyển vào vị trí content writer cho một thương hiệu trẻ, vậy đừng quên hé lộ một cách tự tin rằng mình yêu thích đọc sách và thích nghe nhạc Đen Vâu, bởi điều đó hứa hẹn các content bạn tạo ra sâu sắc và trendy.
Câu trả lời của bạn cần rõ ràng, sử dụng từ ngữ chuyên môn nhưng đơn giản. Hãy thể hiện lộ trình công việc, kinh nghiệm và ưu điểm dẫn đến sự phù hợp cho vị trí ứng tuyển một cách vắn tắt nhưng đầy đủ. Đừng quên tóm tắt và nhấn mạnh các thành tựu bạn đã đạt được trong trường đại học (các giải thưởng, các hoạt động tình nguyện…) hoặc quá trình làm việc trước đây (giải thưởng trong ngành, tên các dự án lớn bạn tham gia) nếu các thành tựu này bổ trợ cho các kỹ năng và năng lực cần thiết cho vị trí bạn đang tuyển dụng. Hãy đưa ra các thông tin ngắn gọn, chính xác, tránh cảm giác “nổ”, “ảo” với nhà tuyển dụng.
Ví dụ:
I have been working as a content writer at a global agency for 2 years. My duties were creating content for Facebook fanpage, Tiktok, PR articles, blogs… I have always been interested in writing and making creative assets, that’s why I choose to follow this career path.
Hoặc
- I’m a Marketing Executive with 2 years of experience, having worked on national campaigns for big accounts such as A and B.
- My main competencies are social media and copywriting, which I know for your brand are crucial, as you rely heavily on social media marketing.
Nhớ sử dụng các cấu trúc câu dạng formal, tránh dùng từ lóng.
2. Câu hỏi thường gặp số 2: Why did you leave your job?
Nếu bạn đã và đang làm công việc khác, những nhà tuyển dụng sẽ luôn muốn biết tại sao bạn rời bỏ công ty và vị trí cũ. Dù bạn có bức xúc với sếp cũ hoặc chán nản với công việc cũ, cũng đừng sa vào cái bẫy kể xấu hoặc than vãn về nơi chốn cũ, dễ khiến nhà tuyển dụng có cảm giác bạn là người tiêu cực hoặc kẻ thích buôn chuyện. Cũng tránh đề cập đến mức lương không thoả đáng hoặc thời gian ngắn bạn làm việc ở nơi cũ để tránh gây cảm giác bạn là ứng viên thích nhảy việc liên tục.
Hãy trả lời bằng cách thể hiện quan điểm muốn thay đổi do đạt tới mục tiêu trong tương lai của bạn hoặc do bạn tìm thấy điểm tương đồng, cơ hội ở vị trí mới, công ty mới một cách lạc quan và tích cực. Bạn cũng có thể nhân cơ hội này để bày tỏ lý do bạn
Ví dụ:
- I’m looking for a new position where I have the opportunity to build a strong content team.
- I have been working at my current company for three years now and have gained a great amount of experience in project management. However, in my most recent assignments, I have been able to work directly with the marketing team and gain skills in both copywriting and SEO.
Đừng ngần ngại khen ngợi công ty cũ của bạn vài câu nếu bạn có thể nhé.
3. Câu hỏi thường gặp số 3: Why do you want this job?
Câu hỏi luôn có mặt trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng tiếng Anh này cho bạn cơ hội thể hiện sự hiểu biết của bạn về công việc bạn ứng tuyển cũng như những ưu điểm chứng tỏ bạn hoàn toàn phù hợp với vị trí này. Hãy nhân cơ hội này cho nhà tuyển dụng thấy quyết tâm và mong muốn gắn bó của bạn, cũng như tiềm năng trong tương lai nếu bạn được chọn.
Ví dụ: Your company has such a positive impact on people’s lives and that’s something I want to be a part of. I want to make a difference. I have considerable experience in creative writing. I can easily adapt to changes and I am willing to learn. Besides, I have always wanted to work in the field of social media and spent so much time reading about this industry. With my knowledge and enthusiasm, I think I can do well in this position.
4. Câu hỏi thường gặp số 4: What are your short term goals?
Câu hỏi này sẽ giúp nhà tuyển dụng biết mục tiêu của bạn có song hành cùng với những công việc bạn sắp đảm nhiệm hay không. Hãy trả lời cụ thể và chẻ nhỏ các mục tiêu của bạn ra để chúng phù hợp với công việc bạn ứng tuyển, công ty bạn đang muốn gia nhập. Hãy làm cho các mục tiêu đó S.M.A.R.T. (Specific – cụ thể, Measurable – đo đếm, tính toán được, Achievable – khả thi, Relevant – phù hợp với cả 2 bên và Time-bound – có thể kiểm soát được về thời gian).
Ví dụ:
In the short-term, I want to grow in a position that allows me to use the entirety of my skill set rather than just a few of my abilities. In the near future, I’d also love the opportunity to learn and master new skills in my field.
hoặc:
My short term goal is to find a position where I can use the knowledge and strengths that I have. I want to partake in the growth and success of the company I work for.
5. Câu hỏi thường gặp số 5: What are your long term goals?
Nếu các câu hỏi trên xác định cái “Tâm” của bạn đối với vị trí ứng tuyển thì câu hỏi về long term goals sẽ giúp nhà tuyển dụng xác định cái “Tầm” của bạn trong vai trò họ đang tuyển dụng. Hãy chộp lấy cơ hội này để thể hiện tham vọng, ý chí cầu tiến, định hướng tương lai một cách to lớn hơn, nhưng cũng phải bám sát S.M.A.R.T – tức là tham vọng đó có thể đo đếm được, khả thi và rõ ràng. Đây chính là câu hỏi về sự nghiệp chứ không phải là công việc. Vì thế, hãy thể hiện bạn rất linh hoạt, sẵn sàng chuẩn bị kiến thức và trau dồi năng lực, biết rất rõ về hướng đi trong sự nghiệp của mình. Quan trọng hơn hết, hãy thể hiện là bạn có sẵn “action plan” để đạt được mục tiêu long term của mình.
Ví dụ:
In the long term, I want to take on leadership responsibilities such as being a team leader. I believe my short term goals will help me get there.
Bạn cũng có thể sử dụng thêm những cấu trúc như:
To improve my skills
To create more of a name for myself in the advertising industry
To achieve a higher position
6. Câu hỏi thường gặp số 6: What do you know about our company?
Qua câu trả lời cho câu hỏi này, bạn sẽ thể hiện cho nhà tuyển dụng biết bạn nghiêm túc và đã có sự tìm hiểu, nghiên cứu về công ty bạn đang ứng tuyển. Vì thế, hãy trình bày ngắn gọn nhưng đầy đủ những thông tin chính mà bạn biết về công ty này. Cũng có thể thể hiện sự ngưỡng mộ hoặc niềm say mê, được truyền cảm hứng của bạn với công ty.
Ví dụ:
In my opinion, X is alway one of the most popular companies in the country. Everyone has at least one of your products in their houses and it shows me that X plays an essential role in our life. That’s what I really admire and I hope that by joining the company I can create the same value.
7. Câu hỏi thường gặp số 7: What are your salary expectations?
Để trả lời tốt câu hỏi chắc chắn sẽ xuất hiện tại các buổi phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh này, bạn cần chuẩn bị kỹ dựa trên sự nhận thức rõ ràng về bản thân. Bạn phải am hiểu về mức lương cụ thể mà công ty này sẽ đưa ra, mức lương trung bình trên thị trường cho vị trí này và mức lương bạn nghĩ bạn xứng đáng nhận được. Khi bạn trả lời tự tin, rõ ràng về một mức lương phù hợp với năng lực và hiệu quả công việc của bạn, nhà tuyển dụng sẽ thấy bạn có “self-awareness” tốt, biết người biết ta và tự tin.
Ví dụ:
My salary expectations are in line with my experience and qualifications. However, I do understand that positions similar to this one are paid in the range from ___ to ___. With my experience, skills, and certifications, I would expect to receive a range from __ to ___.
8. Câu hỏi thường gặp số 8: What are your strength and weaknesses?
Đây là một câu hỏi quan trọng và cũng là cơ hội để bạn, một lần nữa nhấn mạnh các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc bạn có phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển. Một lần nữa, hãy sử dụng bản mô tả công việc bạn ứng tuyển để tìm ra những năng lực nhà tuyển dụng mong chờ ở ứng viên.
Có những nhà tuyển dụng hỏi 2 câu riêng biệt cho ưu điểm và điểm yếu của ứng viên. Nhưng cũng có những nhà tuyển dụng hỏi cả 2 yếu tố này trong cùng một câu hỏi. Trong trường hợp đó, hãy trả lời vế câu hỏi về điểm yếu của bạn trước để có thể kết thúc câu trả lời với ấn tượng tích cực, lạc quan. Đừng sa đà vào việc kể lể, liệt kê các điểm yếu của mình, cũng đừng trả lời qua loa, cho thấy bạn né tránh câu hỏi hoặc tự đắc quá đáng về bản thân. Hãy chọn 1 đến 2 điểm yếu đảm bảo 2 yếu tố: A. Không liên quan, ảnh hưởng đến công việc bạn ứng tuyển. B. Có thể cải thiện trong tương lai gần. Sau đó có thể trình bày ngắn gọn thêm 1 giải pháp bạn đang hoặc sẽ thực hiện để cải thiện điểm yếu đó trong quá trình làm việc và phát triển bản thân.
Ví dụ:
- “I’m naturally shy. From high school and into my early professional interactions, it prevented me from speaking up. I joined an improv acting class—it’s fun and has really helped me overcome my shyness. I learned practical skills around leading discussions and sharing diverse perspectives.”
- “I tend to be a perfectionist and can linger on the details of a project which can threaten deadlines.”
Khi nói về ưu điểm, thế mạnh của bản thân, bạn nên chọn 1 đến 2 phẩm chất của bạn có liên quan trực tiếp đến vị trí bạn ứng tuyển, kèm theo câu chuyện hoặc ví dụ để minh họa cho phẩm chất đó. Bạn ứng tuyển vào đội sale marketing, hãy đưa ra ưu điểm nổi bật của bạn là thấu hiểu người tiêu dùng mục tiêu hoặc khả năng thuyết phục người khác. Bạn ứng tuyển vào một vị trí cần làm việc với áp lực lớn, thời gian ngắn, hãy thể hiện thế mạnh của bạn là bền bỉ, luôn có giải pháp và kể một ví dụ rằng bạn đã từng quản lý các dự án ngắn, ấn tượng thế nào. Đừng nói dối, khuếch khoác hoặc quá khiêm tốn về bản thân.
Ví dụ:
Ưu điểm về kỹ năng phù hợp với công việc:
“I have extremely strong writing skills. I’ve worked as a copywriter for 3 years in several industries, and am committed to both creative excellence and performance metrics when it comes to my work.
Hoặc
Ưu điểm về tính cách phù hợp với công việc:
“I never miss a deadline. I’m highly organized, and I’ve applied my natural skill for organizing people and projects to all aspects of my work.
9. Câu hỏi thường gặp số 9: Do you work well under pressure?
Bằng cách này hay cách khác, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ quan tâm đến việc bạn có làm việc tốt khi phải sống chung với áp lực công việc không. Trong thời đại 4.0, không tồn tại những “việc nhẹ lương cao”, vì thế, bạn cần thể hiện bạn đáng tin cậy, có ý thức, có khả năng quản lý thời gian của bản thân, có khả năng đương đầu với deadline mà không bị hoảng loạn hay bỏ trốn, có trách nhiệm. Hãy trình bày phương án đương đầu với áp lực công việc và thể hiện cách làm việc khoa học, có tổ chức của bạn nhé.
Ví dụ:
During times of pressure, I try to prioritize and plan as much as I can. After I’m organized, I really just put my head down and work hard in a smart way. I don’t let the pressure affect me.
Bạn cũng có thể nhân cơ hội này kể ra những kinh nghiệm đối đầu với deadline gấp hoặc thành tích vượt khó của bạn trong quá khứ.
Ví dụ:
I love working under pressure since I can work out what order to do things in by thinking about which tasks are urgent and how important each task is. If I’m not sure what’s urgent and what isn’t, or how important different tasks are, I find out.
10. Câu hỏi thường gặp số 10: Do you have any questions?
Không nhà tuyển dụng nào tìm kiếm những ứng viên thụ động, vì thế nếu bạn trả lời là KHÔNG khi bạn có cơ hội hiểu biết thêm về công việc mình ứng tuyển, chắc chắn bạn sẽ bị mất điểm. Hãy tận dụng câu hỏi này để thể hiện bạn chủ động, cầu tiến, thực sự quan tâm đến công việc, công ty và hứng thú với vị trí bạn ứng tuyển. Bạn cũng có thể nhân đây để đưa ra một vài đề xuất, thắc mắc của bạn trong quá trình tìm hiểu về công ty, thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn có nghiên cứu kỹ và hứa hẹn những sáng tạo, thay đổi, đóng góp giá trị nếu bạn được tuyển dụng.
Ví dụ:
Bạn có thể hỏi thêm về công việc bạn ứng tuyển để thể hiện sự ham học hỏi, cầu tiến
- What are the current projects this position or team are working on?
- What is the biggest challenge an individual in this position will face?
- What are the benefits of the employees? Do I have to work on the weekend?
- What are the KPI metrics for this position?
Bạn có thể hỏi về cơ hội thăng tiến, khả năng được đào tạo
- What are the prospects for growth in this job?
- What is the chance of getting promoted?Does the company offer in-house training to staff?
> Xem thêm: Tổng hợp các đàm thoại tiếng Anh quan trọng buộc phải biết khi sử dụng tiếng Anh.